 |
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (TP. Đà Nẵng) nêu vấn đề: “Chỉ còn hơn một tháng nữa Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng ASEAN, nhưng tôi thấy từ người lao động cho đến DN chưa có tâm thế sẵn sàng. Xin Thủ tướng cho biết vì sao cho đến nay, Chính phủ vẫn chưa có hoặc chưa công bố giải pháp gì cho vấn đề này, ai là người chịu trách nhiệm về sự chậm trễ đó?
Thứ hai, để tránh tình trạng sản xuất bị đình đốn, hàng hóa nội địa ế ẩm, tình trạng thất nghiệp tăng khi mà hàng hóa, DN các nước ASEAN tự do vào Việt Nam, mỗi DN, mỗi người lao động cần làm gì? Câu hỏi thứ ba là Chính phủ có biện pháp gì để hỗ trợ cho DN và người lao động tránh rủi ro. Với tư cách là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có cam kết gì trước người dân và DN?”
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đã đề nghị Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy.
Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, công tác hội nhập được thực hiện thông qua hàng loạt nghị quyết của Chính phủ, chỉ rõ nội dung Chính phủ phải làm và trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương.
Khi tham gia đàm phán và thực hiện hội nhập thì Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan, Bộ NN&PTNT đều có các cuộc trao đổi với các DN, các ngành hàng để đánh giá mặt được, mặt không thuận nhằm tìm giải pháp trong đàm phán.
“Ý nghĩa lớn nhất trong đàm phán theo chỉ đạo của Chính phủ là phải tạo ra được lộ trình cho các ngành hàng mà chúng ta có nhiều thách thức lớn để dành thời gian cho ngành hàng đó chuẩn bị các điều kiện hội nhập”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nói.
Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương đều xây dựng kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế và đưa kế hoạch này cho các ngành hàng, hiệp hội DN thực hiện từ nhiều năm nay.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ không phải tất cả các DN ở Việt Nam đều quan tâm tới hội nhập và các điều kiện hội nhập vì ngành hàng của họ ít liên quan hoặc không liên quan tới hội nhập. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn tăng cường nắm bắt thông tin của đối tượng DN này để hỗ trợ họ nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh.
Theo Phó Thủ tướng, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế về kinh tế, thời gian qua, Quốc hội đã dành nhiều thời gian điều chỉnh luật và Chính phủ cũng điều chỉnh các Nghị định cho phù hợp với quy chuẩn quốc tế.
Trong các khối tự do kinh tế, Việt Nam được đánh giá là có tốc độ điều chỉnh luật pháp nhanh nhất. Ví dụ ở khu vực cộng đồng ASEAN, Việt Nam đã hoàn thành trên 90% việc điều chỉnh luật pháp để phù hợp với các quy định chung.
Các bộ, ngành cũng đã thực hiện nhiều hội thảo, nhiều cuộc trao đổi, xúc tiến thương mại, hội thảo đầu tư để DN và các bộ, ngành làm quen dần các điều kiện về hội nhập kinh tế.
“Trong phạm vi của mình, Chính phủ hết sức nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ này”, Phó Thủ tướng nói.
Không có việc tự do chuyển dịch lao động
Trước lo ngại của đại biểu về lao động từ các nước ASEAN tự do tràn vào Việt Nam theo cam kết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết Chính phủ chưa đưa ra cam kết với khu vực về chuyển dịch lao động mà chỉ có lao động kỹ thuật cao ta cần thì mới cho vào trong nước làm việc, còn những trường hợp lao động vào qua con đường du lịch như thời gian qua thì Bộ LĐTB&XH đã chấn chỉnh kịp thời.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ với nỗi lo của đại biểu Quốc hội về sản xuất và xuất khẩu trong nước, đồng thời cho biết từ năm 1995 đến nay, ta vẫn duy trì tăng trưởng xuất khẩu công nghiệp, nông nghiệp trong khi sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt. Chính phủ phải có giải pháp hiệu quả hơn để duy trì và phát triển nền sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, trong hội nhập, có những ngành hàng của Việt Nam không có khả năng thành công, cạnh tranh yếu hơn thì phải chịu thiệt thòi và cần có giải pháp ứng phó, hỗ trợ.
“Tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp thì cũng là để tìm ra ngành hàng có lợi thế để cạnh tranh nhưng ngành hàng đó không phải có lợi thế mãi mãi nên việc tìm thị trường, tìm sản phẩm chủ lực sẽ tiếp tục được Chính phủ quan tâm”, Phó Thủ tướng cho biết.
Thành Chung