2:42 PM, 22/10/2014

Về đích đúng hẹn trong mùa thu lịch sử

(Chinhphu.vn) – Với nỗ lực và quyết tâm cao độ của các đơn vị, công trình Nhà Quốc hội mới đã được hoàn thành và đưa vào phục vụ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII mùa thu năm2014.

Phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Thiều Quang, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình (mới) xung quanh sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.

Ông Đỗ Thiều Quang, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Nhà Quốc hội và hội trường Ba Đình. 
Ảnh VGP Toàn Thắng


Là một công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, ông có thể cho biết những dấu mốc đáng nhớ trong quá trình Xây dựng công trình này?

Ông Đỗ Thiều Quang: Hơn mười năm kể từ khi có chủ trương nghiên cứu xây dựng Nhà Quốc hội để phục vụ các hoạt động của Quốc hội trong thời kỳ mới, đến ngày 2/4/2007 Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 11 đã thông qua Nghị quyết số 77/2007/QH11 về phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội tại lô D trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình, với yêu cầu “Nhà Quốc hội phải là công trình tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, là biểu tượng cho sự tập trung ý chí và nguyện vọng của toàn dân, đồng thời cũng là biểu tượng của một nước Việt Nam yêu tự do, yêu hòa bình, sẵn sàng hợp tác với bạn bè quốc tế.

Phương án xây dựng Nhà Quốc hội phải gắn với phương án bảo tồn di tích lịch sử, kết hợp hài hoà với không gian, cảnh quan kiến trúc của khu vực”.

Nhà Quốc hội được xác định là nơi tổ chức các kỳ họp Quốc hội; lễ kỷ niệm những ngày trọng đại của quốc gia; các hội nghị lớn có ý nghĩa quốc gia và quốc tế; nơi họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đón tiếp khách quốc tế cấp cao của Đảng và Nhà nước; nơi làm việc của lãnh đạo Quốc hội; Phòng họp của Hội đồng dân tộc, 9 Ủy ban của Quốc hội và 2 Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nơi làm việc của lãnh đạo Hội đồng dân tộc và 4 Ủy ban của Quốc hội; nơi làm việc của một số lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; nơi làm việc của một số đơn vị phục vụ; Thư viện Quốc hội; Phòng truyền thống trưng bày, lưu giữ hiện vật của Quốc hội và Hội trường Ba Đình; Phòng họp báo và Trung tâm báo chí; Phòng tiệc chiêu đãi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước; Phục vụ nhu cầu tham quan và hưởng thụ văn hoá của nhân dân và khách quốc tế.

Được khởi công từ ngày 12/10/2009, trải qua 3 năm thi công từ phần cọc, tường vây, móng và kết cấu thân, đến tháng 10/2012 những dầm thép mái bắt đầu được lắp đặt. Đến cuối tháng 9/2014 công trình đã cơ bản hoàn thành, kịp thời phục vụ cho phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII ngày 6/10/2014. Đến nay công trình đang được gấp rút hoàn thiện những công việc cuối cùng để phục vụ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.

Thưa ông, không chỉ mang ý nghĩa về lịch sử, văn hóa, công trình Nhà Quốc hội còn được thiết kế hiện đại về kiến trúc xây dựng cũng như áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những điểm mới này?

Ông Đỗ Thiều Quang: Với yêu cầu là công trình “tiêu biểu cho thời kỳ phát triển mới của đất nước”, công trình Nhà Quốc hội được thiết kế hiện đại, có xen kẽ các họa tiết hoa văn mang hồn dân tộc như hoa sen, chim hạc...

Mang tầm vóc biểu tượng của cơ quan quyền lực tối cao, Nhà Quốc hội có kiến trúc hình vuông, kích thước 102x102 m, phòng họp hình tròn ở giữa với chiều cao khoảng 39m, tổng diện tích xây dựng khoảng 60.000m2.

Tòa Nhà Quốc hội nhìn từ bên ngoài sừng sững, uy nghiêm. Ảnh: VGP Toàn Thắng


Trên tổng thể công trình hài hòa với cảnh quan, không gian xung quanh, đặc biệt với khu vực khảo cổ học sau này sẽ là công viên văn hóa lịch sử. Đặc biệt, tòa nhà có các mảng cây xanh, ánh sáng mặt trời được bố trí đến từng khu vực, từng phòng đã giảm thiểu ngăn cách giữa khu vực trong và ngoài tòa nhà tạo cảm giác gần gũi với thiên nhiên.

Quá trình thiết kế và thi công được áp dụng các kỹ thuật tiên tiến, đảm bảo độ bền, ổn định, sử dụng tiện nghi, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.

Ngay từ phần kết cấu như: Tường vây, neo trong đất, bê tông cốt cứng, kết cấu thép vượt nhịp lớn; phần hoàn thiện nh: hệ mặt đứng cách âm, cách nhiệt, vách gỗ, trần tiêu âm... cho đến hệ thống pin mặt trời, điều hòa thông gió, chiếu sáng, trang âm, hệ thống quản lý năng lượng, quản lý tòa nhà... đều được thiết kế, sử dụng những sản phẩm, công nghệ có chất lượng cao.

Được xây dựng trong khu vực văn hóa lịch sử, vì vậy từ phương án thiết kế đến quá trình thi công xây dựng, chúng ta đã có giải pháp gì để bảo tồn những giá trị văn hóa lịch sử, đảm bảo hài hòa giữa yếu tố hiện đại với nhu cầu gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa truyền thống?

Ông Đỗ Thiều Quang: Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra yêu cầu: “Đồng thời với việc xây dựng Nhà Quốc hội, cần xác định quy hoạch tổng thể, triển khai quy hoạch chi tiết khu Trung tâm chính trị Ba Đình thành một quần thể các công trình kiến trúc, văn hóa, lịch sử thống nhất, kết hợp hài hòa giữa các công trình hiện có với các công trình xây dựng mới, giữa bảo tồn và phát triển để xứng đáng là một Trung tâm chính trị-văn hóa của thủ đô và cả nước, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc Việt Nam”. Công trình Nhà Quốc hội đã đảm bảo được mối quan hệ hài hòa với không gian xung quanh, đặc biệt với khu vực khảo cổ, nơi có các giá trị lịch sử to lớn. Đồng thời có tổ chức không gian liên kết chặt chẽ với khu vực này để bố trí tham quan, khai thác, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống... phục vụ nhu cầu phát triển.

Bên cạnh đó, công trình cũng dành một không gian thích hợp để trưng bày các di vật có giá trị lịch sử đã khai quật được tại khu vực này.

Bản thân lịch sử của Quốc hội cũng được lưu giữ trong phòng truyền thống ở vị trí trang trọng của công trình, có sự kết nối trong dây chuyền tham quan công trình.

Theo ông, đâu là những yếu tố góp phần để công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này về đích đúng tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng và mỹ thuật trong quá trình thi công? 

Ông Đỗ Thiều Quang: Ngay từ khi lựa chọn phương án thiết kế, đến quá trình xây dựng, công trình luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo, đôn đốc sát sao của lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội và Bộ Xây dựng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và lãnh đạo các bộ, ban ngành, UBND TP. Hà Nội cũng đã trực tiếp kiểm tra, thị sát, thường xuyên quan tâm, chỉ đạo công trình trong các thời điểm đường găng tiến độ. 

Ban Chỉ đạo xây dựng Nhà Quốc hội do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban đã họp định kỳ hàng tháng để chỉ đạo, đôn đốc quyết liệt kịp thời giải quyết và tháo gỡ các vướng mắc của dự án. 

Đặc biệt, trong thời gian cao điểm - Chặng nước rút hoàn thiện công trình có trên 2.000 cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động của trên 30 đơn vị đã chia làm 3 ca thi công liên tục trên công trường với tinh thần trách nhiệm và nỗ lực cao nhất để công trình kịp tiến độ, đảm bảo an toàn, chất lượng và mỹ thuật phục vụ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII.

Việc quản lý chặt chẽ các hạng mục công trình với bằng ấy con người, phương tiện kỹ thuật đòi hỏi Ban Quản lý và các đơn vị thi công, nhà thầu phải rất nỗ lực, có sự phối hợp nhịp nhàng và hiệu quả.

Là trụ sở của một cơ quan Trung ương lớn, có yêu cầu kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại đầu tiên được xây dựng kể từ ngày thống nhất đất nước, đến thời điểm này công trình đã đáp ứng được chất lượng, tiến độ. Toàn bộ hệ thống kỹ thuật đã được kiểm tra, vận hành, chạy thử nhằm đảm bảo phục vụ cho kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10 tới.

- Xin cảm ơn ông!
Toàn Thắng (thực hiện)

Viết bình luận

Bình luận của bạn sẽ được biên tập trước khi xuất bản